5 nguyên nhân gây thiếu sắt ở trẻ: mẹ cần nắm rõ để xử trí kịp thời
Thiếu sắt là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu ở trẻ em. Có nhiều nguyên nhân gây thiếu sắt ở trẻ như do chế độ dinh dưỡng hay do các bệnh lý khác về sức khỏe. Cụ thể ra sao, hãy cùng Vitalife Pharma tìm hiểu thông qua bài viết sau đây.
5 nguyên nhân gây thiếu sắt ở trẻ em, mẹ có biết?
Thiếu sắt là nguyên nhân gây thiếu máu ở trẻ phổ biến nhất. Khi lượng sắt trong cơ thể không đủ, quá trình vận chuyển oxy sẽ bị ảnh hưởng do không sản xuất đủ hemoglobin. Vì thế nên bé hay mệt mỏi, khó thở, gây nhiều cản trở đến chế độ sinh hoạt hàng ngày và quá trình phát triển bình thường của bé.
Dưới đây là 5 nguyên nhân gây thiếu sắt ở trẻ phổ biến nhất mẹ cần biết:
Lượng sắt dự trữ không đủ
Thông thường, khi phát triển trong bụng mẹ bé sẽ được nhận phần dinh dưỡng để phát triển. Đồng thời cũng được nhận một vài loại dinh dưỡng dự trữ, trong đó có sắt. Lượng sắt dự trữ này sẽ đáp ứng nhu cầu sắt của cơ thể bé trong khoảng 3 – 4 tháng đầu đời.
Quá trình tích lũy sắt thường diễn ra trong 3 tháng cuối thai kỳ và tỉ lệ thuận với cân nặng của trẻ khi chào đời. Vì vậy, nhiều trẻ có thể thiếu sắt dự trữ do sinh non, sinh đôi hoặc do mẹ bị thiếu máu khi mang thai.
Lượng sắt dự trữ không được tích lũy đủ là nguyên nhân gây thiếu máu ở trẻ
Đến giai đoạn cạn lượng sắt dự trữ
Lượng sắt tích lũy được khi còn trong bụng mẹ chỉ đủ đáp ứng nhu cầu cơ thể trẻ trong khoảng 4 tháng đầu đời (đối với những trẻ sinh đủ tháng và khỏe mạnh).
Lượng sắt dự trữ sẽ giảm dần sau khoảng thời gian trên. Lúc này, sữa mẹ là nguồn cung cấp sắt chủ yếu cho bé vì trẻ chưa ăn dặm. Sữa mẹ chỉ cung cấp cho bé 0,35mg sắt với mỗi lít sữa, đồng thời có tỷ lệ hấp thu khoảng 50%. Không đủ đáp ứng nhu cầu sắt của trẻ trong giai đoạn này. Vì vậy, bé rất cần được bổ sung trực tiếp vi chất sắt ở thời điểm này để dự phòng thiếu sắt.
Tốc độ phát triển của trẻ nhanh
Sau khi sinh, trẻ phát triển rất nhanh về thể trạng, đặc biệt đối với trẻ sinh non. Vì vậy, nhu cầu sắt cho quá trình tạo máu của bé lúc này cũng tăng lên. Tuy nhiên, sữa mẹ lại là nguồn sắt duy nhất trẻ nhận được lúc này. Cho nên, trẻ rất dễ gặp tình trạng thiếu sắt do sự hạn chế nguồn cung cấp thêm vi chất này. Vì vậy, lời khuyên từ chuyên gia đối với những trẻ sinh thiếu tháng, trẻ có sự tăng trưởng nhanh, cần được bổ sung sắt từ chế độ ăn uống, dinh dưỡng khác để đảm bảo cung cấp đủ lượng sắt cần thiết.
Chế độ ăn không đáp ứng đủ lượng sắt
Kể từ khi bắt đầu ăn dặm, chế độ ăn uống hàng ngày sẽ trở thành nguồn cung cấp sắt chính cho trẻ. Tuy nhiên, một vài nguyên nhân trong khi thực hiện chế độ ăn sẽ khiến cho lượng sắt bé hấp thu không được tối ưu nhất. Cụ thể:
- Trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn: Nếu ăn dặm quá sớm, hệ tiêu hóa của trẻ khi đó chưa hoàn thiện nên rất dễ gây kém hấp thu, biếng ăn và các vấn đề về tiêu hóa khác. Ngoài ra, việc ăn dặm quá sớm cũng khiến bé ít bú mẹ hơn, làm giảm lượng chất dinh dưỡng và sắt con nhận được từ sữa mẹ. Ngược lại, nếu con ăn dặm quá muộn, sữa mẹ sẽ khó cung cấp đủ lượng sắt và các dưỡng chất cần thiết khác, khiến con dễ thiếu sắt, còi cọc, chậm lớn.
- Thực đơn ít các loại thức ăn giàu sắt: Con sẽ có nguy cơ cao thiếu sắt nếu thực đơn hàng ngày ít bổ sung các thực phẩm giàu sắt. Nguồn sắt trẻ hấp thu dễ nhất là nguồn sắt từ động vật vì chứa cả sắt hem lẫn nonheme (tỉ lệ hấp thu là 25%). Vì vậy những trẻ lười ăn thịt cá sẽ có nguy cơ cao hơn bị thiếu sắt
- Rối loạn tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa khiến trẻ dễ đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, biếng ăn,…, ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng hấp thu sắt và các chất dinh dưỡng khác của bé.
- Uống quá nhiều sữa tươi: Trong sữa tươi có chứa nhiều canxi nhưng lại rất ít sắt. Điều này làm cho lượng sắt ít ỏi sẽ phải cạnh tranh sự hấp thu với lượng lớn canxi, gây giảm hấp thu sắt. Bên cạnh đó, việc uống quá nhiều sữa tươi cũng khiến trẻ ít bú mẹ hay ăn theo chế độ dinh dưỡng. Lượng sắt bé nhận được theo đó lại càng giảm đi.
- Giun sán: Giun sán làm tổn thương niêm mạc ruột, gây giảm hấp thu sắt. Hơn nữa, niêm mạc ruột khi bị tổn thương sẽ gây chảy máu mạn tính, tăng nguy cơ thiếu máu thiếu sắt ở trẻ.
Trẻ mắc các bệnh lý mạn tính
Nếu trẻ mắc các bệnh lý mạn tính như tim bẩm sinh, đái tháo đường, ung thư,… cũng sẽ rất dễ bị thiếu sắt. Bởi khi đó, bé rất hay mệt mỏi, khó ngủ, ăn không ngon dẫn đến hấp thu sắt kém. Hơn nữa, việc phải sử dụng thuốc điều trị trong thời gian dài cũng sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột của bé, gây giảm hấp thu sắt.
Mẹ nên làm gì khi con bị thiếu sắt?
Thiếu sắt ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Vì vậy, mẹ cần kết hợp bổ sung trực tiếp, điều trị bệnh lý khác nếu có và điều chỉnh chế độ ăn uống để cải thiện tình trạng thiếu sắt cho con.
Bổ sung sắt
Lượng sắt cần bổ sung cho trẻ phụ thuộc vào mức độ thiếu sắt của bé. Thông thường, trẻ được chỉ định bổ sung sắt với liều 3 – 6mg/kg/ngày trong vòng 3 – 6 tháng.
Mẹ cũng nên tuân thủ tuyệt đối liều lượng và thời gian cho con uống sắt theo chỉ định của bác sĩ. Bởi bất kỳ sự thay đổi nào về liều lượng cũng như thời điểm uống sắt cũng góp phần làm giảm hiệu quả hấp thu hoặc ngược lại làm tăng nguy cơ dư thừa sắt.
Bổ sung sắt đầy đủ giúp hỗ trợ cải thiện hiệu quả tình trạng thiếu sắt ở trẻ
Cân bằng dinh dưỡng trong chế độ ăn
- Bổ sung các thực phẩm giàu sắt như thịt bò, tim, gan, các loại hạt, các loại rau củ đậm màu vào thực đơn ăn dặm của bé.
- Sử dụng thêm men vi sinh để cải thiện tình trạng kém hấp thu, biếng ăn,…
- Khi bé dưới 1 tuổi, mẹ nên dừng cho con uống sữa tươi. Với bé trên 1 tuổi, mẹ có thể cho con uống khoảng 700ml sữa tươi mỗi ngày.
- Có thể bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu vitamin C (cam, quýt, bưởi, ổi, chanh,…) để giúp tăng hấp thu sắt.
Các biện pháp phòng ngừa thiếu sắt
- Bổ sung sắt cho mẹ bầu trong quá trình mang thai với liều lượng phù hợp.
- Bổ sung sắt dự phòng đúng thời điểm và đúng cách, phù hợp với thể trạng và tình trạng sức khỏe của mỗi trẻ.
- Thiết kế chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
- Dự phòng và điều trị sớm các bệnh lý khác, nên chú ý tẩy giun định kỳ cho bé.
Thiếu sắt ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ. Nếu không được bổ sung kịp thời và đúng cách, bé sẽ rất dễ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. Thông qua bài viết này, hy vọng ba mẹ đã biết được các nguyên nhân gây thiếu sắt ở trẻ, đồng thời giúp ba mẹ có thêm những biện pháp xử trí và phòng ngừa thiếu sắt cho con. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc câu hỏi nào khác, ba mẹ hãy để lại bình luận ngay bên dưới hoặc gọi điện đến hotline 0968 363 618 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.