Kẽm – khoáng chất vi lượng quan trọng đối với trẻ em
Kẽm là một khoáng chất vi lượng rất cần thiết đối với trẻ em và có nhiều vai trò quan trọng như:
- Trong cơ thể người, kẽm trực tiếp tham gia vào quá trình tạo nên các enzyme thúc đẩy quá trình tổng hợp protein. Quá trình tổng hợp protein hiệu quả giúp trẻ phát triển tốt về chiều cao, cơ bắp và hệ thống miễn dịch. Khi hệ miễn dịch hoạt động tốt, bé sẽ tránh được các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus, nấm,… xâm nhập vào cơ thể, giảm tình trạng ốm vặt.
- Kẽm giúp tăng cảm nhận của các cơ quan vị giác và khứu giác, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
- Bổ sung đầy đủ kẽm – tăng khả năng tổng hợp protein còn giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục vết thương ở những vùng da bị tổn thương.
- Kẽm giúp vận chuyển canxi vào não, góp phần điều hòa các chức năng nội tiết (tuyến yên, thượng thận, sinh dục, giáp trạng,…). Nhờ đó, con người thích nghi tốt hơn với những thay đổi của hoàn cảnh bên ngoài.
- Kẽm phân bổ vào da, tóc và móng, giúp các bộ phận này khỏe mạnh hơn.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần chú ý cách dùng kẽm cho trẻ chính xác. Vì nếu cơ thể bị quá thừa hoặc quá thiếu kẽm, trẻ có thể bị đau bụng, buồn nôn, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa hoặc chậm tăng trưởng,…
Nhu cầu kẽm của trẻ em
Tình trạng thiếu kẽm rất thường gặp ở trẻ em, vì nhu cầu chất này thường tăng cao theo độ tuổi của trẻ. Ở mỗi giai đoạn phát triển và mỗi độ tuổi khác nhau, trẻ sẽ có nhu cầu kẽm khác nhau. Liều lượng kẽm cần thiết cho trẻ được tổ chức Y tế Thế giới quy định là:
- Trẻ 0 – 6 tháng tuổi: Cần 2mg/ngày
- Trẻ 7 – 11 tháng tuổi: Cần 3mg/ngày
- Trẻ 1 – 3 tuổi: Cần 3mg/ngày
- Trẻ từ 4 – 8 tuổi: Cần 5mg/ngày
- Trẻ từ 9 – 13 tuổi: Cần 8mng/ngày
- Trẻ trên 14 tuổi: Bé gái cần 9mg/ngày, bé trai cần 11mg/ngày
Các triệu chứng của thiếu kẽm hoặc thừa kẽm
Các triệu chứng thường gặp:
- Chán ăn.
- Tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến.
- Chức năng hệ miễn dịch kém
Các triệu chứng nghiêm trọng của thiếu kẽm:
- Chậm trưởng thành giới tính.
- Bệnh tiêu chảy.
- Tổn thương mắt và da.
- Cảm thấy chậm chạp hoặc vui nhộn.
- Rụng tóc.
- Vết thương kém lành.
- Giảm cân không giải thích được.
- Vị giác và/hoặc khứu giác bất thường.
- Khó tập trung.
Triệu chứng thừa kẽm:
- Đau bụng
- Bệnh tiêu chảy.
- Nhức đầu
- Buồn nôn, nôn mửa
- Ăn mất ngon.
Chẩn đoán thiếu kẽm
Khi có các triệu chứng biểu hiện khả năng thiếu kẽm và được định lượng kẽm trong máu dưới 70Mcrogram/dl ( Bình thường 70-120Microgram/dl).
Các cách bổ sung kẽm cho trẻ em
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi
Một số cách thông dụng nhất để bổ sung kẽm cho trẻ đúng cách gồm:
Ở độ tuổi này, việc bổ sung kẽm cho trẻ đơn giản nhất và tốt nhất chính là thông qua nguồn sữa mẹ. Sữa mẹ ở giai đoạn đầu đời của bé chứa nhiều kẽm, kháng thể và các chất dinh dưỡng khác. Vì vậy, với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cha mẹ nên hạn chế cho bé dùng sữa ngoài mà nên tận dụng nguồn sữa mẹ vốn có để giúp bé có thể phát triển tốt hơn. Do đó, cần bổ sung đủ kẽm và chất dinh dưỡng cho mẹ trong giai đoạn mang thai và sau sinh. Bà mẹ mang thai và sau sinh cần chú ý bổ sung các loại thực phẩm sau vào chế độ ăn hằng ngày của mình:
- Thực phẩm giàu kẽm: Tôm, cá, cua, trứng, thịt,…
- Các loại hạt, đậu (đặc biệt là đậu nành)
- Nhóm thức ăn giàu vitamin C như cam, quýt, chanh, bưởi,… Chúng có tác dụng tăng khả năng hấp thu kẽm của cơ thể. Ngược lại, kẽm cũng có khả năng giúp cơ thể dễ dàng hấp thu vitamin C.
Ngoài ra, nếu muốn bổ sung cả kẽm và sắt, người mẹ nên uống sắt sau 2 tiếng uống kẽm, bởi sắt có thể ngăn cản cơ thể hấp thu kẽm. Đồng thời, bạn cần chú ý bổ sung kẽm ở mức độ vừa phải, tránh lạm dụng vì có thể gây dư thừa kẽm trong cơ thể.
Với trẻ từ đủ 6 tháng tuổi trở lên
Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu có cảm nhận về thức ăn nên phụ huynh cần thay đổi khẩu phần ăn hằng ngày của bé để tránh gây cảm giác nhàm chán nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
- Với trẻ suy dinh dưỡng: Cha mẹ nên chế biến các món ăn từ nhiều loại thực phẩm giàu dưỡng chất như cá, lươn, cua, tôm đồng, hàu, thịt hay các loại đậu, các loại hạt, rau xanh (cải bó xôi, bông cải xanh,…);
- Với trẻ biếng ăn: Để giúp bé ăn ngon miệng hơn mà vẫn bổ sung đầy đủ kẽm và các chất dinh dưỡng, phụ huynh cần đáp ứng nhu cầu ăn uống của trẻ. Một số loại thực phẩm giàu kẽm mà hầu hết các bé đều thích gồm: Socola đen, hải sản, sữa chua, bơ sữa, ngũ cốc nguyên hạt,… Đây là những thực phẩm có tác dụng kích thích vị giác, giúp trẻ ăn uống ngon miệng hơn.
Bên cạnh việc bổ sung kẽm cho trẻ qua chế độ ăn uống hằng ngày, cha mẹ có thể bổ sung kẽm cho bé qua các loại dược phẩm.
Lưu ý khi bổ sung kẽm cho trẻ bằng dược phẩm
Chỉ khi tình trạng thiếu kẽm của trẻ được xác định bằng những biểu hiện lâm sàng và các xét nghiệm sinh hóa, hoặc trẻ bị tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa dẫn tới giảm hấp thu kẽm, phụ huynh có thể bổ sung kẽm cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ có quyết định cần bổ sung kẽm cho trẻ hay không, với liều lượng như thế nào, thời gian dùng bao lâu,…
Liều lượng bổ sung kẽm cho trẻ em là từ 0,5 – 1,5mg kẽm nguyên tố/kg cân nặng/ngày. Khi bổ sung kẽm bằng dược phẩm bổ sung, bạn nên cho bé uống sau bữa ăn 30 phút. Không uống viên kẽm cùng lúc với sắt và canxi, nên dùng kẽm trước ít nhất 2 giờ. Thời gian bổ sung kẽm thường là dùng 2 – 3 tháng rồi ngưng. Đồng thời, bạn nên cho trẻ uống bổ sung thêm vitamin A, B6 và C để kích thích cơ thể tăng hấp thu kẽm.
Cha mẹ chú ý không tùy tiện bổ sung kẽm cho trẻ (khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ), đặc biệt là với liều lượng cao, vì tình trạng thừa kẽm có thể dẫn tới các nguy cơ về chuyển hóa và tăng trưởng cho trẻ.
Với những chia sẻ trên hy vọng đã giúp cha mẹ biết thêm thông tin về cách dùng kẽm cho trẻ cũng như bổ sung thực phẩm hợp lý với con theo từng độ tuổi.